Du nhập Bò Brahman

Bò Brahman ở Brazil

Giống này đã được giới thiệu ở 63 nước trên thế giới. Các giống bò Brahman của Úc, Cu Ba, Brazil đều có nguồn gốc từ bò Brahman của Mỹ[1]. Năm 1997, Việt Nam nhập bò Brahman trắng từ Cu Ba về nuôi ở Phùng Thượng (Ninh Bình) sau đó chuyển vào An Nhơn (Bình Định) và trại An Phú (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2003-2004 một số tỉnh phía Nam và Tuyên Quang có nhập bò Brahman trắng từ úc về nuôi. Kết quả ban đầu cho thấy bò dễ nuôi, thích hợp với phương thức nuôi tập trung bán thâm canh cũng như nuôi nhỏ tại các nông hộ. Có thể nhân thuần giống này với mục đích sản xuất thịt bò chất lượng cao.

Tại trại An Phú (Củ Chi,) bò được nuôi chăn thả theo đàn có bổ sung thêm thức ăn tại chuồng. Khối lượng trung bình bê cái Brahman 6 tháng tuổi đạt 128,8 kg (n=56), khối lượng này thấp hơn so khối lượng bê cai sữa ở An Nhơn (137 kg). Giai đoạn sau cai sữa, bê ở An Phú đạt tăng trọng cao hơn so với bê nuôi ở nông hộ An Nhơn, đạt 223 kg lúc 12 tháng tuổi (n=19) và 280,2 kg lúc 18 tháng tuổi (n=9). Khối lượng này tương đương với khối lượng bê cái Brahman nuôi trong trại An Nhơn. Từ kết quả nuôi dưỡng tại An Nhơn (Bình Định) và An Phú cho thấy, trong điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt bê Brahman trắng có thể đạt tăng trưởng trên 650g/ngày giai đoạn từ 0-6 tháng tuổi, trên 400 g/ngày giai đoạn 6-12 tháng tuổi. Tăng trọng bình quân trong suốt giai đoạn từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi bê cái đạt trên 450 g/ngày. Tăng trọng này tương đương với con lai F1 50% máu bò chuyên dụng thịt châu Âu.

Một sự việc hy hữu xảy ra khi một Công ty ở huyện Bình Chánh, TP HCM nhập một lô bò thuần chủng gồm 376 con bò cái giống Brahman của Công ty Gia súc Bắc Úc (Úc) cập cảng Gò Dầu (Đồng Nai), hai tháng sau công ty bất ngờ nhận được thông báo hồ sơ xác nhận bò giống thuần chủng không hợp lệ. Do đó công ty phải chịu mức thuế 5%, tương ứng với số tiền phải nộp là hơn 432 triệu đồng, thay vì được miễn thuế. Chi cục đã gửi mẫu lý lịch giống bò Brahman của Úc do công ty cung cấp cho các cơ quan chức năng kiểm tra xem có đầy đủ thông tin hay không rồi mới áp thuế. Mỗi con bò cái giống thuần chủng nhập về có giá 1.025 USD/con (tương ứng 22 triệu đồng), cao hơn giá bò thịt (khoảng 18 triệu đồng). Tổng số tiền 376 con bò cái giống nhập về của công ty là hơn 8 tỷ đồng[4].

Căn cứ vào ý kiến của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT cho thấy nội dung giấy xác nhận lý lịch cá thể bò giống (bản bằng tiếng Anh) của công ty cung cấp còn thiếu một số thông tin như tính biệt, màu sắc, số hiệu đàn bò. Ngoài ra trong mẫu chứng nhận ghi sai tên giống bò Brahman, ngôn ngữ tiếng Anh viết sai lỗi chính tả. Vì vậy, giấy xác nhận lý lịch cá thể giống của công ty không đủ xác định được cá thể bò là bò thuần chủng để nhân giống. Do đó công ty phải chịu mức thuế như trên. Đây là lỗi ghi sai tên giống, sai chính tả có thể do sơ suất ở khâu đánh máy của phía Hiệp hội Giống bò Brahman Úc, vì trong hợp đồng ghi rõ hàng nhập khẩu là bò giống Brahman nên công ty tin tưởng. Còn giấy chứng nhận lý lịch giống là thẩm quyền của hiệp hội giống bò của nước xuất khẩu cấp và chịu trách nhiệm về chất lượng con giống[4].

Ở Đắc Nông, đầu năm 2012, từ chương trình cải tạo chất lượng đàn bò ở địa phương, một số người dân được hỗ trợ bốn con bò cái nền và một con bò đực giống Brahman đỏ. Nhờ đó, gia đình ông đã mở ra hướng chăn nuôi quy mô lớn và hiệu quả. Từ vài con ban đầu, đến nay, đàn bò của nhiều gia đình đã tăng lên 36 con, trong đó chủ yếu là bò lai với thể trạng vượt trội so với bò địa phương. Việc mở rộng mô hình chăn nuôi bò đã tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, nhất là những lúc chưa tới mùa vụ, còn bổ sung thêm thức ăn tinh cho bò đực giống và bò cái mang thai nên đàn bò của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh[5].

Huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đang thay dần đàn bò vàng địa phương bằng giống bò Barahman đỏ, trọng lượng gần 1 tấn/con trưởng thành, giá trị kinh tế cao hơn song thời gian sinh trưởng như nhau. trong kế hoạch phát triển đàn bò giai đoạn 2013-2015, Hải Lăng tập trung thụ tinh nhân tạo giống bò Brahman đỏ trên nền bò cái hiện có là Brahman đỏ và lai sind. Ngoài ra, còn thử nghiệm các giống Drouhtmaster, Charolais, Brahman trắng để rút kinh nghiệm trong chăn nuôi bò giống ngoại, giống bò Brahman đỏ của Thái Lan, rất phù hợp với khí hậu ở Quảng Trị. Giống bò này có ưu điểm tầm vóc lớn, khi trưởng thành có con nặng gần 1 tấn, bò tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt rất tốt. Đây là những giống bò ưu việt mà Thái Lan đã nhập về phát triển chăn nuôi từ những năm đầu thế kỷ 20[2]

Tại vùng thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, ngay sau khi tiếp nhận đàn bò Brahman 45 con, trong đó có 40 con bò cái sinh sản và năm con bò đực để phối giống, tỉnh Bắc Cạn giao cho một Công ty nuôi, đàn bò tràn đầy sinh lực ngày được đưa lên để nuôi tại đây đi phăm phăm. Những ngày đầu, nhìn đàn bò con nào cũng khoẻ mạnh, béo tốt, lông mượt, mỡ màng. Khi đàn bò được đưa lên Pác Ả không bao lâu đã có 12 con bò cái (phối giống trước khi đưa về tỉnh) đẻ ra 12 con bê có tầm vóc cao lớn, đàn bò này và những con bò được sinh ra hằng năm sẽ là những con giống để phối với bò địa phương nhằm tạo ra con lai. Mỗi con bò Brahman nhập từ Ấn Độ có giá trị hơn 20 triệu đồng, cả đàn có giá tiền tỷ ấy ban đầu tỏ ra thích nghi với khu vực Pác Ả.

Ban đầu đàn bò ăn khoẻ, bê con chóng lớn nên ai cũng mừng. Nhưng sau đó đàn bò xuống mã từng ngày, đến tháng 12- 2008 (sau một tháng tiếp nhận) có hai con bò cái bỏ ăn, chảy nước mũi, mặc dù đã được chữa trị, nhưng mười ngày sau thì lăn ra chết. Cán bộ thú y huyện Ngân Sơn nghi hai con bò chết là do bị bệnh tụ huyết trùng và ung khí thán. Mặc dù những con còn lại đã được tiêm phòng, nhưng đến tháng 5- 2010 có thêm tổng cộng 12 con chết, trong đó có bốn con bê. Sau hơn một năm, cả đàn giờ chỉ còn lại 35 con và tám con bê được sinh ra sau ngày bò mẹ được đưa về đây, con nào cũng gày còm, lộ rõ bộ xương sườn, đít nhọn, bụng tóp, đi lại dúm dó, khó nhọc. Hiện nay thể trạng đàn bò là rất gày yếu. Nguyên nhân chủ yếu làm cho 14 con bò đã chết là do khí hậu không phù hợp, mùa đông rét đậm, rét hại, sương muối; bãi chăn thả dốc nên đàn bò không thích nghi[6].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bò Brahman http://www.brahman.com.au/ http://www.24-7agtv.com/Joomla/index.php?option=co... http://www.cattle.com/articles/title/Brahman+Cattl... http://www.ansi.okstate.edu/breeds/cattle/brahman/ http://www.brahman.org/ http://nhandan.com.vn/kinhte/item/11925602-.html http://www.iasvn.vn/huong-dan-chan-nuoi/chan-nuoi-... http://nongnghiep.vn/nuoi-bo-brahman-do-post122670... http://www.baodaknong.org.vn/nong-nghiep-ung-dung-... http://news.zing.vn/nguy-co-mat-hon-400-trieu-dong...